1. Chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; số chủ đề dạy học nội môn, liên môn đã xây dựng và thực hiện; các nội dung dạy học lồng ghép, nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học, hoạt động giáo dục.
- Phòng GDĐT đã tổ chức hội thảo và chỉ đạo các trường rà soát chương trình theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/05/2006 của Bộ GDĐT và công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ GDĐT, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 đảm bảo các bài dạy, số tiết, chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu. Mỗi trường đã chỉ đạo nhóm chuyên môn rà soát, sắp xếp các tiết dạy, bài dạy, chủ đề dạy học theo kế hoạch dạy học định hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS của trường.
- Các trường đã xây dựng các chủ đề dạy học nội môn (chủ yếu theo định hướng của Bộ GDĐT: mỗi môn 01 chủ đề/kỳ). Các chủ đề liên môn đã được các trường quan tâm song chưa nhiều. Tổng số chủ đề liên môn trong toàn huyện đã xây dựng và được nhà trường kiểm tra, phê duyệt là 681.
- Các nội dung dạy học lồng ghép, nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo đúng quy định, phù hợp theo thực tế của mỗi trường. Nội dung tích hợp như giáo dục an ninh quốc phòng, giáo dục pháp luật, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống, tiết kiệm năng lượng,… thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn nhiệm vụ bộ môn đầu năm Sở GDĐT chỉ đạo và được các trường lồng ghép đưa vào kế hoạch dạy học bộ môn cụ thể trong từng bài.

Lễ chào cờ ở trường THCS Tân Hòa
2. Công tác chỉ đạo, tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn: đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn; sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn; tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng và sử dụng hiệu quả CNTT trong quản lý và dạy học; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia Cuộc thi KHKT dành cho học sinh; các giải pháp, mô hình giáo dục mới, đặc thù của địa phương.
+ Thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, UBND thành phố về việc thực hiện khung chương trình năm học và điều chỉnh nội dung dạy học, kiểm tra đánh giá.
+ Đã chỉ đạo các trường xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong đó đặc biệt quan tâm đổi mới hình thức, phương pháp và kĩ thuật dạy học đối với mỗi giáo viên ở từng môn.
+ Tiếp tục chỉ đạo các trường trong việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh: có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ lên lớp, ở trong hay ngoài phòng học.
+ Thống nhất chỉ đạo đến từng GV trong huyện các khâu soạn bài đảm bảo 04 hoạt động (khởi động/hình thành kiến thức mới/luyện tập/vận dụng mở rộng).
+ Các trường đã tổ chức chuyên đề đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học, tổ chức các hoạt động của giáo án trên lớp. GV đã áp dụng phương pháp đặc trưng bộ môn, kết hợp các phương pháp và kỹ thuật dạy học được tập huấn tại các lớp do Sở GDĐT tổ chức, tích cực ứng dụng CNTT, sử dụng ĐDDH để giảng dạy có hiệu quả.
+ Đổi mới phương pháp dạy học thông qua công tác bồi dưỡng và dự giờ thăm lớp của giáo viên; tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy ở các tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, hội thảo cấp trường, cụm trường và hội thi GVDG cấp trường.
+ Chỉ đạo các trường đánh giá xếp loại học lực và hạnh kiểm học sinh theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GDĐT đảm bảo tính khách quan, chính xác, công bằng. Học kì I, phòng GDĐT đã tiến hành ra đề kiểm tra cuối học kì chung toàn huyện đối với 03 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh các khối lớp và môn Vật lý đối với lớp 9.
+ Kết quả cấp THCS có 13.016 học sinh được xếp loại học lực, trong đó có 2343 học sinh xếp loại giỏi, chiếm tỷ lệ 18%, 5359 học sinh xếp loại khá, chiếm tỷ lệ 41.17%, 4161 học sinh xếp loại trung bình chiếm tỷ lệ 31.97%, 1112 học sinh xếp loại yếu với tỷ lệ 8.54% và 41 học sinh chiếm tỷ lệ 0.31% học sinh xếp loại học lực kém.
+ Đã chỉ đạo các trường đối với kiểm tra thường xuyên và định kì thực hiện việc ra đề, soạn đáp án và chấm bài kiểm tra bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS với các cấp độ: Biết, Thông hiểu, Vận dụng sáng tạo.
+ Đã chỉ đạo các trường khai thác và sử dụng tốt phòng học bộ môn để nâng cao chất lượng dạy học. Giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Vật lý, Công nghệ, Sinh học,… thường xuyên đăng ký sử dụng đồ dùng và phòng bộ môn để hướng dẫn HS thực hành, thí nghiệm.
+ Ứng dụng CNTT trong việc quản lý điểm, tính điểm và nghiêm túc không chữa điểm cho HS. Các trường nhập điểm hằng tháng vào phần mềm quản lý của trường và cơ sở dữ liệu của ngành.
+ Năm học 2020-2021, Phòng GDĐT đã chỉ đạo các trường trong việc thiết lập lại tổ chức các nhóm chuyên môn để phù hợp với chương trình GDPT mới và tình hình thực tế đội ngũ GV tại mỗi trường. Các trường đã ra quyết định bổ nhiệm TTCM, TPCM, các nhóm trưởng và xây dựng kế hoạch, tiến hành SHCM đảm bảo theo quy định. Hồ sơ lưu trữ tại trường đầy đủ. Chất lượng SHCM của các nhóm đã có chiều sâu, ít nặng về hành chính so với các năm học trước. Toàn huyện đã dự giờ được 6255 tiết học, tổ chức được 79 chuyên đề, thao giảng được 1390 tiết, dạy thể nghiệm được 695 bài dạy. Nội dung sinh hoạt chuyên môn đã được nhà trường quan tâm: Các văn bản chỉ đạo của cấp trên về chuyên môn, xây dựng chương trình, chủ đề bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, làm chuyên đề, nghiên cứu bài học, rút kinh nghiệm thao giảng, trao đổi nội dung khó, các đề kiểm tra, ôn thi tuyển sinh,…Tiêu biểu về SHCM theo nhóm môn có nhóm Toán- Tin trường THCS Phú Cát, nhóm KHXH trường THCS Phú Mãn,…
+ Mặc dù còn khó, yêu cầu khá cao đối với HS cấp THCS, song các em HS tại huyện Quốc Oai đã tích cực tham gia Cuộc thi KHKT cấp huyện. Toàn huyện có 21 đề tài tham gia, trong đó xoay quanh các lĩnh vực: Hóa- Sinh: 05 đề tài; Y sinh và khoa học sức khỏe: 02 đề tài; Khoa học xã hội và hành vi: 04 đề tài; Kỹ thuật môi trường: 01 đề tài; Vật lý: 05 đề tài; Kĩ thuật cơ khí: 02 đề tài; Robot và máy tính: 01 đề tài và Toán học: 01 đề tài. Ban tổ chức đã cấp giấy chứng nhận và khen thưởng 12 đề tài ở các lĩnh vực với số tiền thưởng là 1.650.000 đồng. Phòng đã cấp giấy chứng nhận và xếp giải theo các lĩnh vực. Đăng kí 02 đề tài dự thi cấp Thành phố. Lập báo cáo, danh sách đăng ký về Sở đúng quy định. Kết quả có 02/02 đề tài dự thi cấp thành phố đạt giải Tư. Tiêu biểu trong Cuộc thi này là các trường THCS Phú Cát, THCS Tân Hòa, THCS Cấn Hữu,…
+ Hoạt động nghiên cứu khoa học của GV còn hạn chế. Đa số chỉ dừng lại ở SKKN cấp trường, huyện, cấp thành phố.
Một số giải pháp mới, mô hình tiêu biểu của huyện:
+ Mỗi tổ chuyên môn đã giải quyết ít nhất 02 chuyên đề có chất lượng, tổ chức cho mỗi GV thao giảng ít nhất 2 tiết, dạy thể nghiệm ít nhất 01 tiết, thực hiện sinh hoạt chuyên môn ít nhất 18 lần/năm, tổ chức nghiên cứu bài học và thực hiện ngày chuyên môn theo trường, cụm trường và báo cáo về Phòng GDĐT vào ngày 25 hằng tháng.
+ Đối với học sinh yếu, kém: Phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng ngay từ đầu năm học. Phân công giáo viên có kinh nghiệm làm công tác phụ đạo. Tổ chức thảo luận trong tổ nhóm chuyên môn chọn các chủ đề trọng tâm, tiến hành phụ đạo học sinh yếu kém, khảo sát sau mỗi chủ đề, kỳ, năm. Hồ sơ lưu trữ tại trường đầy đủ.
+ Đối với học sinh mũi nhọn: Các trường đã lập kế hoạch bồi dưỡng các môn văn hóa, năng khiếu, khoa học kỹ thuật,…và tiến hành bồi dưỡng từ 10-15 buổi/môn. Phòng GDĐT đã tổ chức kiểm tra chọn đội tuyển HSG bồi dưỡng dự thi cấp thành phố 10 môn văn hóa lớp 9 và môn khoa học trẻ. Đã tiến hành bồi dưỡng tập trung tại trường THCS Kiều Phú với thời lượng là 33 buổi/môn, môn khoa học 09 buổi. Trong quá tŕnh bồi dưỡng đã tiến hành kiểm tra sàng lọc và chọn đội tuyển chính thức dự thi cấp thành phố vào ngày 13/01/2021.
+ Phòng đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt quan tâm đến học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khãn nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường đặc biệt là vai trò của Ban khuyến học nhà trường, Hội khuyến học xã, huyện. Hằng năm, Hội khuyến học của huyện đã tổ chức khen thưởng cho học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi HSG cấp Thành phố, quốc gia, học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn học giỏi,...với số tiền lên đến gần 60 triệu đồng.
+ Đối với các Cuộc thi, kỳ kiểm tra do Phòng GDĐT tổ chức đã tiến hành nghiêm túc các khâu ra đề, bảo mật, chấm, công khai kết quả ngay về cơ sở.
+ Mặc dù nhân sự làm việc ở cấp THCS phòng GDĐT còn ít, kiêm nhiệm thêm một số mặt công tác, song lãnh đạo, chuyên viên đã tích cực thực hiện nếp kiểm tra chuyên đề đến các đơn vị trong huyện. Việc kiểm tra này không nhằm đánh giá xếp loại GV mà chủ yếu tư vấn thúc đẩy, giúp công tác quản lý chuyên môn của Hiệu trưởng tốt hơn. Nội dung kiểm tra tập trung vào đổi mới phương pháp kỹ thuật dạy học, việc xác định mục tiêu bài dạy, sử dụng ĐDDH, ứng dụng CNTT, đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới SH nhóm chuyên môn,… Trong kỳ I năm học 2020-2021, phòng đã tiến hành kiểm tra chuyên ngành KT: 05 trường (Phú Mãn, Hòa Thạch, Thị Trấn, Tân Phú, Phú Cát), kiểm tra nếp chuyên môn được trung bình 3 lần/trường.
+ Qua đánh giá công tác kiểm định của các Đoàn do Sở GDĐT điều động, phòng GDĐT đều tổng hợp rút kinh nghiệm, tổ chức phân tích (qua hội nghị giao ban) để các trường trong toàn huyện điều chỉnh, sửa sai trong công tác quản lý, điều hành.

Thiếu nhi dân tộc thiểu số xã Phú Mãn, Quốc Oai, Hà Nội vui trung thu với nét riêng biệt.
3. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; việc xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, an toàn, vệ sinh; biện pháp khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm, thu sai quy định.
+ Phòng GDĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức cho học sinh. Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường, xây dựng các biện pháp, tiến hành giáo dục đạo đức học sinh thông qua các hoạt động. Đánh giá xếp loại đạo đức học sinh đúng quy định. Tình trạng bạo lực học đường trường học không diễn ra.
+ Việc giáo dục đạo đức cho HS được các trường thực hiện dưới nhiều hình thức: Thông qua các giờ dạy trên lớp, tổ chức các hoạt động giáo dục, công tác chủ nhiệm, các hoạt động của Đoàn Đội,…
+ Nhà trường đã có sổ theo dõi học sinh chưa ngoan, hoạt động của tổ chủ nhiệm diễn ra điều đặn. Công tác phối hợp giữa nhà trường- gia đình- xã hội đã được các trường quan tâm qua thông tin, họp phụ huynh, làm việc trực tiếp,…
+ Kết quả cấp THCS có 13.016 học sinh được xếp loại hạnh kiểm, trong đó có 10967 học sinh xếp loại tốt, chiếm tỷ lệ 84.26%,1816 học sinh xếp loại khá, chiếm tỷ lệ 13.95%, 211 học sinh xếp loại trung bình chiếm tỷ lệ 1.62% còn 22 học sinh xếp loại yếu với tỷ lệ 0.17%.
+ Công tác vệ sinh trường lớp được các trường quan tâm chỉ đạo. Phòng đã thường xuyên kiểm tra đôn đốc công tác vệ sinh đặc biệt là việc sử dụng nhà vệ sinh của học sinh tại các trường. Mỗi nhà trường đã chú ý xây dựng môi trường giáo dục an toàn, xây dựng kế hoạch, rà soát bám sát các tiêu chí tạo dựng môi trường tốt nhất trong nhà trường. Học sinh có góc thể hiện điều em muốn nói, có tổ tư vấn tâm lý học đường để giúp đỡ, hướng dẫn HS khi gặp khó khăn về tâm lý.
+ Chỉ đạo các trường duy trì nếp thực hiện bài thể dục giữa giờ trong suốt học kì.
+ Các trường đã tổ chức cho giáo viên dạy các môn kí cam kết không dạy thêm sai quy định.
+ Phòng đã tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản quy định của Bộ, Thành phố về quy định thu- chi đối với các trường THCS. Đã tiến hành duyệt các khoản thu khác của các trường (theo ủy quyền của UBND huyện). Phòng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra công tác thu- chi đầu năm. Qua kiểm tra nhận thấy, các trường đã thực hiện nghiêm túc quy định của cấp trên, đảm bảo quyền lợi của học sinh và phụ huynh về công tác thu chi. Thực hiện những mức thu theo đúng quy định của Bộ GDĐT, UBND thành phố Hà Nội về các khoản thu khác.

Thầy và trò trường THCS Kiều Phú viếng nghĩa trang liệt sỹ nhân ngày 27/07
4. Công tác phổ cập giáo dục THCS năm 2020; công tác kiểm định gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến tháng 12/2020.
Phòng GDĐT đã tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập chống mù chữ, phổ cập Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS. Tiếp tục ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tới các trường THCS. Các trường đã tham mưu với UBND xã (thị trấn) trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức điều tra, tổng hợp nhằm hoàn thành tốt công tác phổ cập ở địa phương. Kết quả tính đến tháng 12 năm 2020 đã có 21/21 xã (thị trấn) đạt PCGD THCS mức độ 3, chiếm tỷ lệ 100% , Huyện đạt PCGD THCS năm 2020 mức độ 3. (như bảng thống kê gửi kèm).
Công tác kiểm định gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được huyện, các nhà trường rất quan tâm. Đối với phòng GDĐT đã lập danh sách, báo cáo Sở, huyện các trường công nhận đạt chuẩn quốc gia lại đảm bảo đúng thời gian quy định. Đã tư vấn báo cáo tự kiểm định của các trường, đón các Đoàn kiểm định của Sở GDĐT. Tính đến tháng 12/2020 đã có 14 trường THCS được kiểm định, trong đó đạt cấp độ 2 (tương đương với chuẩn quốc gia mức độ 1) là 9 trường (Sài Sơn, Tân Hòa, Đại Thành, Cấn Hữu, Đông Yên, Nghĩa Hương, Phú Mãn, Đông Xuân, Ngọc Liệp), cấp độ 3 (tương đương với chuẩn quốc gia mức độ 2) là 5 trường (Phượng Cách, Đồng Quang, Thạch Thán, Hòa Thạch, Phú Cát). Nhìn chung công tác kiểm định, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của cấp THCS huyện Quốc Oai đã đạt theo kế hoạch đề ra.
.png)
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn hướng về miền trung của các em học sinh THCS Thạch Thán
5. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chuẩn bị đội ngũ CBQL, GV; CSVC và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới; việc triển khai và tham gia tập huấn nhân rộng các nội dung do Bộ, Sở, Phòng GDĐT tổ chức; các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng khác do trường tổ chức; hoạt động đổi mới quản lý giáo dục.
+ Phòng đã cử đầy đủ các đối tượng tham gia tập huấn CBQL, GV cốt cán theo lịch của Bộ, Sở.
+ Đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên theo đặc trưng từng trường và các Modun bồi dưỡng thường xuyên theo yêu cầu của Bộ. Các trường đã chỉ đạo GV thiết lập sổ bồi dưỡng chuyên môn, tiến hành bồi dưỡng qua nhiều hình thức như SHCM, dự giờ, rút kinh nghiệm thao giảng, hội giảng, sinh hoạt cụm trường,…Một số trường đã chủ động tập huấn GV máy tính bảng, phần mềm kiểm tra trực tuyến; các phần mềm quản lý điểm CSDL ngành, eNetViet; tập huấn sử dụng màn hình TV tương tác…
+ Phòng GDĐT đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL, TTCM, GV các trường một số chuyên đề theo nhu cầu thực tế.
+ Đã chỉ đạo các trường thực hiện công văn số 4178/SGDĐT-GDPT ngày 27/11/2020 của Sở GDĐT Hà Nội về việc tăng cường công tác chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018. Các trường tự kiểm tra, rà soát, đánh giá những nhiệm vụ đã thực hiện, nhiệm vụ chưa hoàn thành, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp khắc phục trong thời gian tới theo yêu cầu Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/01/2019 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn triển khai CTGDPT 2018. Tăng cường chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn, đặc biệt là sinh hoạt chuyên môn nhóm môn, cụm trường, liên trường để tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cốt cán, CBQL; thực hiện tốt bồi dưỡng thường xuyên đảm bảo tiến độ theo lộ trình thực hiện CTGDPT 2018.Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ưu tiên đối với lớp 6 theo Thông tư 44/2020/TT-BGDĐT ngày 03/11/2020 của Bộ GDĐT về việc ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6. Rà soát đội ngũ, dự kiến phân công giáo viên giảng dạy các môn học/hoạt động giáo dục lớp 6 năm học 2021-2022 và lập danh sách giáo viên dự kiến phân công dạy lớp 6 đảm bảo chính xác, đủ các thông tin. Lập báo cáo gửi Sở (qua phòng PT và phòng TC-KH) đúng quy định.

Một góc thư viện trường THCS Yên Sơn